Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Reinhold Messner: Những người thành công lên giường với công việc và trở dậy với công việc



post lại entry trong FB 29. September 2009
Reinhold Messner sinh 1944 tại Südtirol (Nam Tirol - vùng núi phía nam của dãy Alpơ, theo địa giới hành chính hiện tại thuộc Italy nhưng dân cư ở đây là các tộc người Đức-Áo vẫn giữ truyền thống và nói tiếng Đức). Ngay từ nhỏ đã luyện môn trèo núi và sau này nổi tiếng bởi hàng loạt các kỷ lục. Ông được biết đến như một bậc thầy chinh phục các ngọn núi cao. Đã đặt chân lên tất cả 14 đỉnh cao trên 8000m, 1978 ông là người đầu tiên cùng với Peter Habeler lên đỉnh Everest mà không sử dụng bình dưỡng khí. Hai năm sau đó là người độc hành đầu tiên lặp lại thành công ấy. Ông đã đi bộ qua Nam cực và Grönland, không đảng phái ông đại diện cho đảng xanh của Italie trong quốc hội châu Âu và mới dựng nên một loạt nhà bảo tàng núi. Messner có 3 con và sống với bạn đời tại Meran, cũng như tại lâu đài Juval trong thung lũng Schnal.

Sau đây là trả lời phỏng vấn của Messner với tờ tạp chí "Forum", tạp chí khách hàng của hãng tư vấn tài chính MLP, Đức


Thách thức giới hạn
Reinhold Messner: Về việc giảm tốc, về du lịch sinh thái và về các cực điểm của kinh doanh bảo tàng.

Một căn hộ sát mái trong quận nhà vườn tại Munich. Reinhold Messner khoác chiếc áo choàng len với những chiếc khuy gỗ. Không khí trong căn hộ mát lạnh, hầu như không ấm hơn bên ngoài. Messner không mấy khi ở đây, căn hộ đối với ông chỉ như chiếc lều chứa đồ trên núi, ghé chân qua một lát rồi lại lên đường.
Trong lối đi dẫn đến phòng khách có hai tủ bup phê chứa các đồ lưu niệm châu Á. Những kệ sách cao đến sát trần nối tiếp nhau. Đằng trước là một chiếc bàn cẩm thạch với những chân quỳ cách điệu hình hoa tuylip. Người đàn ông thách thức các giới hạn choán chỗ ngồi có một góc nhìn bao quát, ánh mắt hướng về tác phẩm nghệ thuật của một họa sĩ Pháp. Bức tranh mô tả cung điện Juval, tư dinh của Messner trên đường vào thung lũng Schnal và cũng là một trong những phòng trưng bày bảo tàng „Messner Mountain Museum“ (MMM) của ông. Bảo tàng ở thời điểm hiện tại có bốn nhóm hiện vật theo bốn chủ đề. Cung điện Juval giành cho các hiện vật với chủ đề „Huyền thoại Núi“, trên đỉnh Mont Rite ông đã tha lôi lên các đồ trưng bày về lông thuộc, chếch về phía Nam tại Ortler ông cho đặt một viện bảo tàng về băng trong lòng đất, và hành dinh MMM trong cung điện Sigmundskron ở Bozen là nơi giới thiệu những gì mà núi non đã làm với con người. Bảo tàng cuối cùng, số năm về các cư dân vùng núi sẽ được khai mạc vào 2010 tại Bruneck.

Forum: Thưa ngài Messner, ông đã đi bộ qua các xa mạc tuyết và các xa mạc cát, đã đặt chân lên tất cả các đỉnh cao trên 8000, không cần bình ôxy và nhiều lần trong đó là độc hành. Giờ thì ngài lại điều hành viện bảo tàng. Ngài lại tìm đường đến với rủi ro chăng?

RM: Rủi ro về kinh tế ở dự án làm bảo tàng này lớn hơn tất cả các rủi ro đã có trong các cuộc mạo hiểm của tôi trước đây cộng lại. Đâu đó khoảng 100 lần so với rủi ro của một lần thám hiểm. Nhưng với các dự án tôi không đặt cho mình câu hỏi: Nó sẽ đem đến cái gì, mà chỉ là: Tôi có thích và tôi có thể làm không?. Giới chuyên môn đã nói với tôi rằng: với cái khung tài chính của tôi thì một dự án lớn như vậy là không thể thực hiện được.

Forum: Tại sao ngài lại vẫn đem trứng trọi đá?

RM: Tôi bị trí tò mò lôi kéo. Tôi luôn bị cuồng bởi sự thôi thúc làm cái gì đó mới lạ, khác biệt, hoàn toàn ngớ ngẩn ấu trĩ. Thế mạnh của tôi là: Tôi tới từ một thế giới khác. Tôi nhìn mọi sự trước hết từ một góc nhìn khác và nói với mình: người ta có thể đi bằng đường này hay đường khác. Đi lại lối mòn là một điều sai lầm hoàn toàn.

Forum: Vậy thì nên tránh xa các chuyên gia?

RM: Lúc đầu tôi đã có một Brainstorming với ba giám đốc bảo tàng từ Munich, Zurich và Rôm. Trên nguyên tắc tất cả những gì tôi thực hiện giờ đây là ngược lại cái mà họ đã khuyên tôi: Tôi nên tìm tới một trung tâm đô hội và mở một bảo tàng duy nhất ở đó là cái mà họ hình dung. Tôi đã không thể tin là tôi có thể dựng nên cái „Thế giới của núi“ của tôi ở Munich, chỉ tính riêng chi phí xây dựng thôi cũng đã là không thể.

Forum: Chà, bây giờ thì Südtirol chưa kịp nổi tiếng về tính đô hội…

RM: Mỗi năm có năm triệu khách du lịch đến với Südtirol và ở đó một tuần. Trên nguyên tắc nó ngang bằng với số dân của một thành phố lớn. Đó chính là khách hàng của chúng tôi, dự án của tôi hướng tới những người đó.

Forum: Những nhà bảo tàng trong lâu đài Juval, trên đỉnh Monte Rite, ở Ortler và cả cái lớn nhất trong lâu đài Sigmundskron đã thành hiện thực, và cái thứ năm với chủ đề „Cư dân vùng núi“ vừa được dựng lên ở Bruneck. Tại sao mà ngài vẫn thực hiện được cái điều không thể đó?

RM: Thành công của tôi là ở chỗ, tôi đã học được cách hoàn thành những công việc của tôi chỉ với một phần nhỏ chi phí. Một cuộc thám hiểm năm 1970 được dự tính chi phí khoảng nửa triệu USD. Tôi đã thực hiện cái tương tự với khoảng 10000 Euro, ở một vài điểm còn đạt thành công lớn hơn cả dự tính.
Tôi chắc rằng, nếu tôi dùng đến tất cả các chuyên gia mà bình thường người ta cần đến cho một dự án như cái Sigmundskron thì tôi sẽ phải chi thêm 10 triệu Euro nữa. Mà tôi không thể chi đến con số đó.

Forum: Ngài thích nhất là làm việc một cách độc lập?

RM: Trong rất nhiều khâu đoạn tôi đã làm việc độc lập, một mình. Nhưng tôi không phải là kẻ độc hành điển hình. Trong lĩnh vực leo núi tôi đã học rất nhiều các bậc thầy có tuổi và giỏi hơn tôi, họ dạy tôi các bài học cần thiết. Ngay khi đã trở thành nhà leo núi cao thì cuộc thám hiểm đầu tiên tôi cũng không tự tổ chức lấy. Với các tua vùng biên và trong các thung lũng sâu tôi cũng phải nhờ đến các chuyên gia, những người có những khả năng mà tôi không có. Nhà định vị Arved Fuchs là cần thiết sống còn trong chuyến đi Nam cực. Trong chuyến đi này tôi đã học được từ ông phương pháp định vị.
Nhưng nếu tôi chung với ai đó cái dự án bảo tàng này – ví dụ như đã có dự tính sẽ cùng làm với các hiệp hội vùng Alpen – thì chắc nó đã trở thành một tai họa.

Forum: Tại sao?

RM: Hội đồng, rồi họp hành, rồi biểu quyết – tất cả sẽ bàn ra tán vào nhưng chẳng đem đến cái gì cả. Trong khi chuẩn bị tôi đã có các buổi gặp gỡ, nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng: hợp tác sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết.

Forum: Trong cuộc đời ngài, cứ sau một thời gian, lâu nhất là sau 15 năm, ngài lại tìm đến những thách thức mới. Công tác bảo tàng lần này liệu sẽ kéo dài bao lâu?

RM: Tôi muốn kiểm soát các nhà bảo tàng cho đến khi tất cả hoạt động một cách đồng bộ và trôi chảy. Về cơ bản MMM là một không gian bảo tàng, được thiết lập trải rộng trên khắp vùng Sudtirol. Sigmundskron chạy tốt. Nhiều khách đã ở đó sẽ tự động tìm đến với Juval. Juval chạy cũng rất tốt. Nhưng các nhà bảo tàng nhỏ thì vẫn còn vấn đề, đó là những địa điểm mà thực ra chúng tôi không muốn lựa chọn.
Nếu toàn bộ chạy ngon lành trong vòng một vài năm tới thì tôi sẽ tìm một giám đốc trẻ có năng lực và tự mình lùi vào sân sau.

Forum: Giờ thì ngài đã đứng ra bảo đảm rằng các triển lãm này sẽ đứng vững trong vòng 30 năm tới. Có xung đột chăng với kế hoạch sống cứ sau 15 năm lại phải tìm đến thách thức mới?

RM: Hoàn toàn không, tôi là người luôn đề cao tính bền vững. Với các tuổi 40 tôi chẳng có một cái bảo hiểm hưu trí nào hết, tôi chẳng trả một xu nào cho những cái quỹ đó cả. Thay cho việc lựa chọn một quỹ nào đó, tôi đầu tư vào một nông trại bị phế hỏng. Tôi đã xây dựng lại nó thành một nông trại sinh thái, ở đó bây giờ tôi sản xuất tất cả những gì mà chúng tôi cần để sống: bánh mì, rau quả, thịt thà – tất cả. Tất nhiên nó cũng cần đến một chút kinh tế trao đổi, không có thì không xong. Với thời gian tôi đã có đến 3 nông trại. Tất cả chạy dưới hình thức thuê bao.
Nông trại ở Juval cho một gia đình thuê bao. Gia đình này cai quản và sử dụng ngôi nhà chính như một nhà trọ. Ở đó bán ra 90 đến 95% sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi kết hợp du lịch với nông nghiệp. Nó đem lợi hơn rất nhiều so với việc đem sản phẩm ra chợ bán, bởi vì toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng nằm lại ở nông trại. Do đó chúng tôi chẳng cần đến thủ thuật hay trợ giá sữa. Cái hệ thống trợ giá cho nông nghiệp chẳng chóng thì chầy cũng sẽ sụp đổ. Nhưng những nông trại của tôi thì sẽ còn tồn tại trăm năm nữa. Các nhà bảo tàng cũng vậy, không phụ thuộc vào việc ai là người điều hành chúng.

Forum: Ngài không hề lo sợ chút nào trước những khủng hoảng kinh tế như lần này sao?

RM: Lo sợ trước một khủng hoảng mang tính toàn cục? Không, tôi sẽ quay về nông trại Juval, tự tay làm ra những thứ cần thiết cho cuộc sống. Và 3 năm sau, khi khủng hoảng đi qua, tôi sẽ lại quay trở lại và lại thúc tiến các dự án.
Tôi chưa bao giờ tin vào các quỹ bảo hiểm cả và vào giờ đây cũng vẫn không tin. Ngay cả các chương trình điều tiết mà giờ đây đang đổ tiền ra, một lúc nào đó người dân lại phải trả lại với gánh nặng mới, với lạm phát.

Forum: Với các khách hàng của MLP ngài sẽ có các bài nói chuyện dưới chủ đề “Chinh phục các đỉnh cao – Niềm tin của kẻ thách thức giới hạn”. Phải chăng có mối liên quan nào đó giữa các hoạt động ở mức giới hạn và làm kinh doanh?

RM: Có một sự tương quan rất thú vị giữa kinh tế và các cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Từ các hoạt động ở mức giới hạn người ta có thể giải thích nhiều điều trong kinh tế và trong quản lý doanh nghiệp, vì mọi thứ hồng hoang đều có thể nhìn thấy lại ở chốn hoang dã. Công tác lãnh đạo có thể so sánh với việc chinh phục rặng Eiger Nordwand (Bức tường thành phía Bắc dãy Alpơ, thách thức nhiều nhà leo núi về độ cao và sự hiểm trở của nó-ND). Việc tạo hứng thú cho công việc giống như khi các nhà leo núi chuẩn bị hàng năm trời cho chuyến đi của họ.

Forum: Trong các bài nói chuyện ngài sẽ bật mí về các công thức tạo hứng thú cho công việc chứ?

RM: Người ta không thể mua được hứng thú, nó không phải là hàng hóa tiêu thụ. Người ta không thể có nó từ tay kẻ khác. Chỉ có các nhà huấn luyện tạo hứng thú (Motivations trainer) mới tin vào điều đó. Khi mà với ai đó bản thân họ và dự định nào đó thật sự hòa làm một thì người đó sẽ luôn có động cơ làm việc.
Những kẻ rất thành công trong kinh doanh, trong nghệ thuật là những người lên giường và thức dậy cùng với công việc của họ. Không phải vì họ bị buộc phải làm thế mà bởi vì công việc chính là bản thân họ.

Forum: Trong kinh tế người ta cũng thường dùng đến các thuật ngữ của các nhà leo núi: Đáy thung, leo lên, đỉnh, nhóm người cùng leo dây…

RM: Việc leo núi, quan sát tứ góc độ một vận động lớn, là tấm gương phản ánh xã hội. Giai đoạn đầu tiên thì việc chinh phục các đỉnh cao được đặt lên hàng đầu. Nó là khoảng thời gian chinh phục các thuộc địa. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chủ nghĩa Alpơ gặp nhiều trắc trở. Ở đó thì việc có leo được lên đến đỉnh hay không chẳng còn quan trọng nữa. Ai đã lên bằng con đường hiểm trở nhất và xuống an toàn tức là thành công. Giai đoạn tiếp đến là chủ nghĩa Alpơ chối bỏ. Chúng ta đã tự giác chối bỏ công nghệ, giảm thiểu đến mức tồi đa vào những gì cơ bản nhất và ý thức triệt để về mức chi phí trở thành quan trọng. Ngày nay chúng ta sống trong chủ nghĩa alpơ làm đường, một hình thức tiêu thụ. Bây giờ thì những con đường hiểm trở trước kia được sang sửa cho số đông cùng trèo – và người ta có thể đặt chỗ. Hiểm nguy và căng thẳng đã được gạt bỏ. Các nhà leo núi được dẫn đi, được đẩy, được kéo được trang bị bình ôxy và những cái mũ tai bèo. Người ta trả tiền để mua vinh quang.

Forum: Và đó là cái gai trong mắt ngài?

RM: Điều đó chẳng hay cũng chẳng dở, đó chỉ là một cánh cửa hoàn toàn khác dẫn vào thế giới mà thôi. Và cái chủ nghĩa Alpơ tiêu thụ này cũng được phản ánh lại trong xã hội. Người Mỹ bội chi ngân sách với hy vọng ba năm nữa sẽ thu về những gì mà họ vung ra ngày hôm nay. Nguyên tắc phát triển bây giờ là: Tất cả đều sẵn có! Chúng ta có thể đi du lịch, không cần tiền, mua ôtô không cần tiền. Tất cả nằm trong tay nhà nước bảo hộ, liên tục phát triển và phát triển liên tục, không điểm dừng. Nhưng mà chẳng bao lâu đâu, sẽ chẳng có cái gì ở đó nữa cả.

Forum: Nguyên nhân là ở chỗ: con người ta cứ hướng lên các đỉnh cao?

RM: Không phải, mà chỉ là nữa và nữa. Có rất nhiều giá trị mà đúng ra lúc này rất quan trọng, nhưng chẳng ai muốn nghe nói đến chúng, giảm tốc là một ví dụ; từ chối thay cho việc liên tục leo cao, cùng chung trách nhiệm thay cho sở hữu dân tộc. Khi trèo lên các đỉnh núi lớn tôi phải giảm tốc độ di chuyển so với tốc độ cuộc sống thường ngày. Nếu không tôi sẽ tiêu. Quá trình toàn cầu hóa đã trở nên quá nhanh, và sự phát triển đã không bắt kịp tốc độ ấy. Việc giảm tốc thì chỉ có thể khi tất cả cùng nhau hợp tác dưới hình thức cộng đồng thế giới. Chúng ta hãy cùng phát triển chậm lại một chút!

Forum: Có câu ngạn ngữ: Nếu thần thánh muốn trừng phạt ai thì sẽ biến giấc mơ của người đó thành sự thật. Có phải ngài thường xuyên bị trừng phạt?

RM: Một trong những cái mẹo của tôi là: cứ sau khi hoàn thành được giấc mơ của mình thì tôi lại tìm cách làm đầy cho cuộc sống bởi những nội dung mới và tìm ra đam mê cho nó. Có được điều đó cũng bởi vì khi ở một điểm mà tôi chưa cho là đỉnh điểm tôi đã đi tới quyết định chuyển sang một giai đoạn mới. Với sự chuyển tàu này, tôi đã học được rằng trong đời, tôi lại có thể chuyển tàu lần ba, lần bốn, lần năm. Mấy cái bảo tàng chắc chắn sẽ không phải là khúc cuối cùng của đời tôi. Luôn với một điều kiện rằng tôi còn sức khỏe.

Forum: Trong một phỏng vấn gần đây, ngài có đề cập đến một mơ ước, một ngọn núi tuyệt vời ở Nepal, nhất thiết ngài còn phải đặt chân tới đó…

RM: Nếu mà tôi còn cơ hội, tôi sẽ còn đảm đương được một vài cuộc phiêu lưu nhỏ nữa. Ngọn núi nhỏ này có thể là một trong số đó. Nhưng cũng không cứ gì. Nhiệm vụ sống trước mắt của tôi là gì không quan trọng. Thách thức tôi tìm tới sau khi dựng xong mấy cái nhà bảo tàng này sẽ có bản chất trí não và tinh thần. Với cái tuổi của tôi thì thật ngớ ngẩn khi tôi còn cố làm nhanh nốt một cuộc dạo bộ trên mặt trăng. Tôi chẳng còn phải chứng minh cho mình điều gì cả, cứ việc tiến hành thôi.
Forum: Giờ thì ngài cũng đã vào cái tuổi 64, lẽ ra ngài nghỉ ngơi được rồi…
RM: Lý thuyết thì là như vậy, nhưng tôi sẽ không làm điều đó. Dưỡng già là một viễn cảnh mà tôi chưa bao giờ hình dung cho mình. Tôi vẫn còn quá trẻ cho việc đó và còn quá nhiều ý tưởng chỉ có giá trị khi tôi biến chúng thành hiện thực.

(Hết)

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tự do

1. Oải. Nghỉ. Gác chân. Bên lề cuộc sống.
Lại chợt giật mình. Vì một lời hứa nghe nhạc của một cậu bé đẹp trai và hình như ái.
Thế là. Bắt được cái này.



Cái này nữa.




2. Á. Cái nhạc nền Spirit vẫn mê. Hóa ra là từ vở ca kịch Elisabeth với nhân vật huyền thoại Sissi. Lyric của nhạc kịch này cũng tuyệt hơn lyric của spirit nữa. Cái Version thứ hai là từ cuộc thi tài năng của Hà lan, cô bé hát tiếng Hà lan, nghe cũng hay.

Tạm ra tiếng Việt từ Lyric tiếng Đức (ở dưới) này:



Em chỉ thuộc về em thôi

Em không muốn
ngoan ngoãn nhu mì và dễ bảo
Em không muốn
khiêm tốn, dễ thương và phờ phĩnh
Em không phải là sở hữu của anh
Bởi vì
Em chỉ thuộc về em thôi!

Em mong mình
từ sợi cáp treo cao tít
nhìn thẳng xuống đời này!
Em mong
chạy trên băng
xem chừng nào kiệt sức
Đừng cản bước
Bởi vì
Em chỉ thuộc về em thôi!

Nếu anh muốn dạy dỗ em
Anh sẽ đẩy em
cởi bỏ ràng buộc cuối
Nếu anh muốn thuần phục em
em sẽ giật phăng xiềng xích
và cất cánh về phía mặt trời

Và nếu em muốn
có những vì sao
em sẽ tự mình tìm lấy
dù lớn lên và học hỏi
em vẫn là em trước tiên.
Em sẽ vùng vẫy đến cùng
trước khi đánh mất bản thân mình.
Bởi vì em chỉ thuộc về em thôi!

Em không muốn oằn mình
gánh những chất vấn mà mong ước (của người khác - người tạm dịch chú thích thêm:))
không muốn những cái nhìn thóc mách
rọi từ chân đến đầu.
Em sẽ bỏ đi trước những cái nhìn xa lạ
Bởi vì em chỉ thuộc về em thôi!

Và nếu anh muốn có em,
thì đừng ghiềng chặt lấy!
Tự do!
Em không bao giờ từ bỏ.

Và nếu anh ràng buộc em,
em sẽ rời bỏ tổ ấm chúng mình
và lặn vô tăm nơi đáy biển.
Em chờ mong những người bạn
và kiếm tìm vòng tay ấm
em xẻ chia niềm vui và nỗi buồn
Nhưng xin đừng đòi hỏi cuộc sống của em,
em không thể đem nó cho anh,
vì em chỉ thuộc về em thôi,
chỉ mình em!

Ich gehöre nur mir

Ich will nicht
gehorsam, gezähmt und gezogen sein,
ich will nicht
bescheiden, geliebt und betrogen sein,
ich bin nicht das Eigentum von dir,
denn ich gehör nur mir

Ich möchte
vom Drahtseil herabsehen auf diese Welt,
ich möchte
aufs Eis gehn und selbst sehen wie langs mich hält,
was geht es dich an was ich riskier?
Ich gehör nur mir

Willst du mich belehren,
dann zwingst du mich bloß
zu fliehen von der lästigen Pflicht.
Willst du mich bekehren, dann reiß ich mich los
und flieg wie ein Vogel ins Licht!

Und will ich die Sterne, dann finde ich selbst dorthin
ich wachse und lerne,
und bleibe doch wie ich bin.
Ich wehr mich bevor ich mich verlier,
denn ich gehör nur mir.

Ich will nicht mit Fragen und Wünschen belastet sein,
vom Saum bis zum Kragen von blicken betastet sein.
Ich flieh wenn ich fremde Augen spür,
denn ich gehör nur mir.

Und willst du mich finden,
dann halt mich nicht fest.
Ich geb meine Freiheit nicht her.

Und willst du mich binden
verlass ich dein Nest
und tauch wie ein Vogel ins Meer.
Ich warte auf Freunde
und suche Geborgenheit
ich teile die Freude ich teile die Traurigkeit
doch verlang nicht mein Leben dass kann ich dir nicht geben
denn ich gehör nur mir!
Nur mir!



Thế là.

3. Lẩn thẩn ngợi: hóa ra trước giờ vẫn định kiến: hát tiếng Anh hay hơn tiếng Đức. Ở bài này thì ngược lại.

4. Lẩn thẩn nhớ. Cái thời mực tím. Khoái đọc và chép thơ. Của nhau. Sổ thơ của cô bạn gái người Hải dương xinh và phóng khoáng có câu thơ không chép lại mà nhớ mãi đến tận bây giờ:
Tự do và Ái tình!
Vì các người ta sống
Vì Tình yêu lồng lộng
Ta hiến cả đời ta
Vì Tự do muôn đời
Ta hy sinh tình ái!

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Janosch: Bản lý lịch thần thông



Tôm vừa tròn sáu tuổi. Tháng tám sẽ đi học lớp một. Tôm thành người lớn rồi. Mẹ muốn có gì đó tặng cho Tôm vào sinh nhật sáu tuổi. Và mẹ chọn Magischer Lebenslauf của Janosch. Các bạn nhỏ Việt nam thì chắc chưa nhiều người biết đến Janosch và con vịt có bộ lông hổ vằn vện nổi tiếng của ông. Mẹ dịch Magischer Lebenslauf ra tiếng Việt để tặng cho Tôm và các bạn nhỏ Việt nam, và cả các bạn lớn Việt nam những ai chưa quên mình đã từng nhỏ.


Phép thần thông là phép phù thủy, một sự phù phép. Dân làng đều biết đến các biểu tượng có tính phù phép bùa chú, những ký hiệu được viết trên khung cửa ra vào, để không cho kẻ thù bước qua hay ngăn không cho lửa bỗng nhiên tiêu hủy cả ngôi nhà. Dấu thánh giá là một biểu tượng thần thông. Và một vòng tròn cũng vậy.

Rồi thế nào cũng sẽ đến lúc mà bạn sẽ đến trường và viết bản lý lịch đầu tiên trong đời. Ngày sinh, nghề nghiệp cha, mẹ tên là gì, bạn học lớp một ở trường nào, bạn sống từ trước tới giờ ở đâu.

Mười năm sau bạn sẽ phải một lần nữa viết lại lý lịch, khi mà bạn kiếm một chỗ học việc hay kiếm việc làm; chẳng có gì xảy ra trong quãng thời gian đó, bản lý lịch được lặp lại y như vậy, thêm vào đó là tám năm cắp sách đến trường, một nửa câu viết trên một dòng chữ.

Những bản lý lịch này chán ngắt như bánh mỳ cũ vậy. Có quái gì là quan trọng cơ chứ, việc bạn sinh ra ở đâu và khi nào và bắt đầu đi học ở trường nào – tất cả những cái đó là tầm bậy. Những gì mà bạn thật sự trải qua, những gì bạn đã nghĩ, đang nghĩ, những gì có thể đến trong đời bạn, những cái đó bạn lại không thể viết vào bản lý lịch. Ai là người bạn có thể chơi được, ai là bạn tốt nhất của bạn, tất cả những cái đó lại chẳng ai thèm đếm xỉa đến.

Tự nghĩ ra những bản lý lịch thực sự cho bản thân, điều đó quả là tuyệt: „Chúng tôi sống trong một ngôi làng nhỏ sau những cánh rừng, ngôi làng mà ở đây không ai biết đến. Có tám anh chị em, sâu chú bé và hai cô bé. Bố tôi là người bắt gấu, ông ấy có thể dùng tay để bắt gấu. Bố rình từ đằng sau con gấu, ôm lấy chú ta từ sau lưng và giữ chặt lấy đến khi cậu chàng ta (tức là con gấu) mệt lử và phải đầu hàng. Thế là bố tóm lấy tay nó và dắt về nhà. Chúng tôi có một con gấu như vậy làm ô sin. Nó giặt áo quần cho chúng tôi và chuẩn bị bữa sáng. Nó nuôi ong ở sau vườn và thế là chúng tôi luôn có thứ mật ong tốt nhất mà không mất tiền, thật sự là thế.

Một lần một người anh của tôi bị chó sói tấn công. Nơi đó cách nhà chừng cả cây số. Chẳng có ai để cầu cứu ở gần cả. Tự nhiên chú gấu ô sin của nhà tôi hếch mũi lên hít hít, chạy ra xô cửa rồi cứ thế dông thẳng ra ngoài, tay chỉ về phía cánh đồng. Và thế là theo hướng đó cách nhà một cây số, mọi người đã tìm thấy anh tôi khi anh đang cố sống cố chết chạy thoát thân và con sói. Mẹ tôi giật khẩu súng ra khỏi đai lưng, nổ bảy phát qua nòng… Krrch.. peng… pang… peng… peng… Krrrrrch, Krrrch… Thành bảy cái lỗ trên mình sói! Chúng tôi sống trong ngôi nhà đó đến khi tôi lên bảy tuổi, bố tôi sau này chỉ còn một tay. Bố tôi không bao giờ muốn thành người giàu có. Ông nói, ai lắm của, người đó đeo đá vào chân, không thể tự do. Bố tôi bất tử…”

Bạn có thể nghĩ ra cho mình những bản lý lịch tuyệt vời. Bạn có thể viết về một người bố có thể của bạn: ông ấy không bao giờ muốn trở thành người giàu có, và chúng ta trước đây sống trong một ngôi làng cạnh biển. Hay trong rừng.

Bạn có thể nghĩ ra cho mình bà mẹ của bạn, một bà mẹ không bao giờ lặp đi lặp lại những câu đại loại: bỏ chân xuống khỏi ghế, ngồi thẳng lưng, ngửng đầu lên!, mà nói với bạn như nói với một con người, và khi mẹ nói gì đó, thì rất đáng để lắng nghe.

Bởi vì điều đó thật sự có nghĩa nào đó.

Bạn có thể tưởng tưởng ra một người ông mà bạn sẽ đến thăm trong những kỳ nghỉ. Ông kể cho bạn những điều cần thiết về thế giới. Những bản lý lịch như vậy tất nhiên chỉ là những câu chuyện đẹp, nhưng bạn có thể sống tốt với chúng. Những bản lý lịch của bạn là những chuyện cá nhân của bạn, cuộc sống của bạn cũng là của bạn và một bản lý lịch như vậy hàng trăm lần tốt hơn những dữ liệu tẻ ngắt: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, tên cha…

Và giờ thì đến lúc nói đến chút gì đó kỳ lạ hiếm có: Tôi quen rất nhiều người, những người từng là những cô bé cậu bé, sau đó đến tuổi quậy phá và bây giờ thì qua cái tuổi ba mươi. Rất nhiều trong số họ đã luôn kể đi kể lại những câu chuyện mơ mộng, những câu chuyện tuyệt vời về cuộc sống của họ sau này. Có thể nói là họ viết trước lý lịch cho tương lai. Người ta có thể phát minh trước cho mình một lý lịch. Điều bí ẩn ở đây là: mọi điều xảy ra thật như vậy. Tôi đã từng quen một cậu bé nhỏ con thường xuyên nói về Canada. Đốn cây trong rừng, đi những con thuyền xuôi những dòng thác dữ. Người cha của cậu là một người già luôn cáu bẳn, đối với ông thì chẳng cái gì nên hồn cả. “Biến ra ngoài kia, đừng có làm ầm lên ở đây! Thằng Ingo nhà mình điên rồi. Nó đọc quá nhiều. Cút đi, tẩy não cho mày đi!”

Giờ đây cậu ấy sống ở Canada và đã hạ nhiều cây gỗ, đi xuôi một vài dòng sông và người cha của cậu ấy, ông lão cáu bẳn ấy, cứ ba năm lại đến thăm cậu một lần. Về chuyện ông ấy đã từng thường xuyên đánh đuổi cậu ra khỏi nhà ông không còn nhớ gì nữa.

Tôi cũng từng biết một cậu khác, khi còn bé cậu luôn nói về việc dựng những cây cầu vĩ đại. Không hề có chút gì hứa hẹn là cậu rồi một mai sẽ làm điều đó. Không phải ai cũng có thể học lên đại học và người cha của cậu chỉ là một người quét đường. Nhưng cậu luôn mó máy thử tạo những cấu trúc khổng lồ. Người cha thường nói: “Hãy quẳng những thứ đó ra khỏi đầu con, cậu nhỏ. Cái đó không thể có với cha con mình đâu!” Chẳng có gì là không có thể cả! Bây giờ cậu ấy đã ba mươi và đã xây xong ba chiếc cầu lớn.

Hãy tạo ra cho mình những bản lý lịch! Hãy sáng tạo ra thật nhiều những bản lý lịch thật đẹp, nhiều và đẹp như bạn muốn, một lúc nào đó sẽ xuất hiện một bản lý lịch mà bạn luôn phải nghĩ đến nó, và từ lúc này không còn ai có thể giật nó ra khỏi tay bạn nữa.