Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Cả một trời yêu bây giờ trở lại! - Phần 1

Thực ra câu nguyên gốc là cái câu thổn thức "Cả một trời yêu bao giờ trở lại!" trong cái bài nhạc vàng "Mười năm tình cũ" mà mình chuyên nghe chữ được chữ mất từ loa hàng xóm! Chẳng bao giờ nghĩ là nó lại lởn vởn trong đầu mình, cho đến khi đọc cái này của Xu. Nhưng đó là một chuyện chẳng liên quan gì với cái notice này, ngoài cái câu "Mười năm không gặp..." và "Cả một trời yêu..." và cũng chẳng có gì thổn thức thống thiết ở đây...



Không nghĩ là đã hơn mười năm rồi mới quay lại Paris, nơi mà mình đã ngoa ngôn "còn thông thuộc hơn là TP mình đang sống"!

Paris, Paris... thành phố của âm nhạc, hội họa và ái tình, trung tâm hoa lệ của phong kiến châu Âu lâu đời, từng là cái rốn văn minh của nước mẹ thực dân Đại Pháp, gót chân lính đi tới đâu thì tinh hoa văn minh vật chất của thế giới dồn tụ về Paris tới đó.

Paris, Paris... cái nôi của cách mạng Pháp 1789 lật sang trang mới - nền cộng hòa - cho toàn châu Âu. Paris, đất mẹ của thần tự do Newyork cũng đồng thời là quê cha của máy chém đầu Guillotine(1). Quảng trường Concorde (có nghĩa là hài hòa) ban đầu mang tên vua Louis XV, ông vua đầy kiêu hãnh đã tự dựng tượng mình ở đây, cũng chính là nơi con trai và con dâu của ông - Vua Louis VI và hoàng hậu Marie Antoinette - bị chém đầu. Cùng với họ là khoảng 40 000 tử nạn khác của Cách mạng Pháp (2). Máu đã nhuộm đỏ trên những viên đá lát quảng trường khi đó mang tên quảng trường Cách mạng. Để giảm nhẹ cho lịch sử hãi hùng của quảng trường, vào năm 1836 người ta đã đưa về dựng ở đây cột đá cổ 3300 năm, cao 23m, đại diện của nền văn minh cổ Hylạp hoàng kim một thời.

Paris, Paris phơi bày sức sống ngồn ngộn qua những bộ ngực trần phơi nắng hai bên bờ sông Seine, Paris cũng không ngần ngại trưng với khách du lịch vương quốc của tử thần với sáu triệu bộ xương khô được xếp sắp ngăn nắp trong hầm mộ (Les Catacombes) dưới lòng thành phố, nơi vốn trước kia là những mỏ khai thác đá vôi(3).

Paris với Khải hoàn môn kỳ vĩ, gắn với tên tuổi lẫy lừng của hai nhà quân sự đại tài nước Pháp - Napoleon và Charles de Gaulle (4). Khải hoàn môn được xây dựng theo lệnh của hoàng đế Napoleon để vinh danh đội quân chiến thắng của mình. Vị hoàng đế luôn mộng đến những điều kỳ vĩ cho dựng đài kỷ niệm theo nguyên mẫu cổng Titus của đế chế La mã xưa, nhưng to gấp 3 lần. Chính vì vậy mà việc xây dựng phải kéo dài 30 năm. Trong thời gian này, Hoàng đế đã bị buộc thoái vị, bị trục xuất khỏi Paris và phe bảo hoàng lại nắm chính quyền. May thay cho những ai thích chiêm ngưỡng Khải hoàn môn: vua Louis-Philippe đã không vì thù riêng vẫn cho phép công trình được tiếp tục!

Paris gắn với tên tuổi của hằng hà vô số các nhân vật tiếng tăm trong mọi lĩnh vực. Trong số đó chắc ít người biết đến một đại gia người Anh, nhà sưu tầm nghệ thuật Richard Wallace. Ông sống ở Paris cách đây khoảng 100 năm và yêu Paris. Để thể hiện tình yêu của mình, ông đã tặng thành phố bốn bồn phun nước công cộng, cung cấp nước sạch để uống không mất tiền. Bốn bồn phun nước Wallace có thiết kế khác nhau nhưng cùng phải đáp ứng các tiêu chí: phải đẹp và tiện lợi, rẻ và dễ lắp ráp. Nó phải nổi bật để được nhìn thấy ngay nhưng phải phù hợp với quang cảnh xung quanh. Wallace muốn tặng cho thành phố ông yêu thêm vẻ đẹp và sức khỏe! Chợt chạnh lòng, đến bao giờ mình yêu Hà nội của mình được như thế!

Mình vốn cẩn trọng khi thể hiện tình cảm, bảo rằng mình yêu Paris thì sợ hơi sến quá vì chưa được sống với nàng nhiều! Nhưng Paris hấp dẫn mình lắm, trên hết không phải vì dòng sông Seine duyên dáng cho những cây cầu đẹp tuyệt vời với bao nhiêu cung điện lâu đài soi bóng, và và và... mà vì Paris có tất cả, ở Paris người ta có thể tìm thấy tất cả, như trong một con người, như trong một cuộc đời. Đến với Paris, người biết nghe sẽ nghe thấy nhịp đập trái tim cuộc sống, người biết cảm sẽ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống phả nhẹ lên da thịt mình. Và người ta sẽ phải yêu, yêu mình, yêu người và yêu cuộc đời này.

***
(1) Trước 1792 chỉ những nhà giàu có và quyền lực ở Pháp mới có đặc quyền "được" bị chém cổ, tất cả dân đen còn lại phải chịu án treo cổ, bỏ vạc, đóng thập tự, hoặc lăng trì. Cho đến khi luật được thay đổi và mọi án tử hình đều được thực hiên bởi Guillotine, máy chém do tiến sĩ người Pháp Joseph-Ignace Guillotine phát minh với mục tiêu giảm cực hình cho người chịu án nhớ những nhát chém chính xác và nhanh gọn của nó. Tội nghiệp cho nhà phát minh, vì mục tiêu nhân quyền mà tên tuổi lại được gắn liền với một công cụ rùng rợn nhất mà con người sáng tạo ra!
(2) Ý nghĩa to lớn của Cách mạng 1789 các thế hệ học sinh VN đều đã biết. Những hình ảnh hùng tráng của nó dưới ngòi bút của những nhà văn bậc thầy như Vichtor Hugo cũng không xa lạ gì với nhiều thế hệ học sinh VN. Nhưng chắc không phải ai cũng biết rằng vào giai đoạn sau, cuộc Cách mạng đã biến tướng thành một thứ nồi da nấu thịt. Người ta nói "Cách mạng 1789 thậm chí ăn thịt cả những đứa con của chính mình" vì thậm chí những nhà lãnh đạo CM thời kì đầu như Danton và Robespierre cũng không tránh khỏi thảm cảnh trong cuộc thanh trừng vô tội vạ này.
(3) Vào cuối thế kỷ XVII, do tình trạng quá tải của các nghĩa trang Paris gây ra ô nhiễm trầm trọng căn nguyên cho hàng loạt bệnh dịch, người ta đã tiến hành một cuộc đại bốc mộ cho 6 triệu cư dân của Diêm vương Paris. Cuộc "di dân" này bắt đầu từ năm 1786 và kéo dài hơn 70 năm mới kết thúc. Khách du lịch sẽ chứng kiến ở đây một hình ảnh rất cộng đồng: các di hài không được xếp sắp theo cá nhân nữa mà theo bộ phận: tay với tay, chân với chân, đầu với đầu, đôi chỗ còn được tạo hình như trái tim hay cây thánh giá: quả là một nơi rèn luyện lý tưởng cho những người yếu bóng vía!
(4) Cổng khải hoàn nằm chính giữa quảng trường Charles de Gaulle.