Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Đi tìm con "Tài lộc"

Mấy ngày nghỉ Noel và Tết Tây mới có đủ thời gian lướt hết một vài bài báo đã đánh dấu từ lâu. Trong số đó có bài "Tìm kiếm tài năng" (Die Talentsuche GEO 03.2014). Tạm lược dịch phần cuối ở đây gửi đến bè bạn có cùng quan tâm.

Qua bảy ví dụ khác nhau về những con người được xã hội đánh giá là người tài năng và thành công trong cộng đồng nói tiếng Đức (danh sách đi kèm với lời phát ngôn của nhân vật liên quan đến nội dung bài báo dưới đây) - có thể coi như đại diện cho bảy cách tiếp cận khác nhau được chính người trong cuộc tổng kết cho trường hợp của bản thân mình - tác giả Ines Possemeyer lật giở câu hỏi từ lâu được xã hội quan tâm và là một trong những vấn để trọng tâm của ngành Tâm lý giáo dục "Thông minh và năng khiếu - Tài năng xuất phát từ đâu?" và đưa ra những góc nhìn đa diện cho việc tìm kiếm câu trả lời.

1. Bác sĩ phẫu thuật, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch của bệnh viện trường Tổng hợp Lausanne, bàn tay thần thông chuyên mổ những trái tim trẻ em nhó bé, ông René Prêtre, 57 tuổi: "Một nhà phẫu thuật tim không làm việc. Anh ta chơi trò chơi." - Làm việc mỗi ngày 10 tiếng trong phòng phẫu thuật
2. Nữ nghệ sĩ vĩ cầm Julia Fischer, 30 tuổi, giáo sư âm nhạc tại Munich: "Năm sáu tiếng luyện đàn mỗi ngày. Thời lượng luyện tập đó chưa từng quá nhiều đối với tôi." - Không, không có thiên tài trẻ con
3. Giám đốc Trung tâm Đối thoại Nhân quyền tại Genf, người đứng ra hòa giải nhiều tranh chấp vùng giữa các bên đối nghịch, ông Đavid Harland, 51 tuổi: "Tư duy trừu tượng vô cảm tính. Đó là khả năng thiên phú của tôi." - Người hòa giải
4. Cô Meike Grewing, 21 tuổi, người đoạt giải nhất Tin học toàn liên bang năm 2012, sinh viên hai ngành Tin học và Toán học tại ĐHTH Rheinisch Friedẻich-Wihelms, Bonn: "Tôi tự hỏi mình, liệu cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu không có người thầy giáo này." - Sự hấp dẫn của môn học (do người thầy tạo ra)
5. Ông Johnnes King, 50 tuổi, đầu bếp được xếp hạng hai sao Michelin, chủ nhà hàng Söl'ring Hof trên đảo nghỉ mát nổi tiếng Sylt: "Đến năm thứ ba trong khóa học việc thì điều đó xảy ra. Tôi nhận ra cái nghiệp của mình." - Sự tinh tế nhạy cảm
6. Nữ vận động viên đua thuyền trèo Fransiska Weber, 24 tuổi, huy chương Olympic 2012 và Vô địch TG 2013: "Chỉ có ý chí thép mới đưa người ta lên đỉnh cao của thắng lợi" - Ý chí đạt đến chiến thắng
7. Nữ họa sĩ đồ họa Line Howen, 36 tuổi, người Hamburg sở hữu nhiều giải thưởng đồ họa, sáng tạo tiểu thuyết tranh và vẽ minh họa với sự kiên nhẫn đáng nể. Mặc dầu vậy, cô vẫn luôn nghi ngờ khả năng của mình.

...


Với đam mê và ý muốn mãnh liệt – Người tự hiểu rõ mình sẽ phát huy được hết khả năng của bản thân

Thử sức ở nhiều lĩnh vực cho đến khi tìm được thứ phù hợp. Lời khuyên này tỏ ra là chìa khóa mấu chốt bên cạnh các tài năng khác trong cuộc vật lộn với mớ bùng binh các kiểu lý thuyết khi tôi cố tìm cho ra cái gì đó có thể cho là kẻ nắm bắt được vấn đề. Nói như cách của Nit-xơ: „Hãy trở thành chính bạn“. Chỉ khi những thiên hướng, điểm mạnh cũng như các giới hạn của bản thân trở nên rõ ràng, chúng ta mới có thể tự tạo dựng thành công cuộc sống của mình. Nhưng rất hiếm khi người ta xác định được mục tiêu sống khi còn trẻ tuổi.

Chắc chắn rằng có những „đứa trẻ kỳ diệu“ từ rất sớm đã tập trung hết năng lực vào chế ngự một công việc nào đó. Sau khi cô bé Hilary Hahn bốn tuổi nhìn thấy tờ áp phích quảng cáo lớp học đàn vĩ cầm, cô bé đã quyết định học bằng được nhạc cụ này. Tám năm sau đó cô bé đã lên sân khấu biểu diễn độc tấu với giàn nhạc giao hưởng Baltimore. Joshua Waitzkin mới lên sáu, khi cậu lần đầu tiên nhìn thấy bàn cờ tướng trong công viên New york, mười một tuổi cậu đã dồn một kiện tướng tên tuổi đến nước chịu hòa. Với các nhiệm vụ khác, thậm chí như việc ăn ngủ những đứa trẻ này thậm chí vẫn còn phải bị ép.

Nhưng ngay trong trường nội trú dành cho các học sinh năng khiếu St. Afra những học sinh được coi là những chuyên gia trong việc tự hướng đích là các ca hiếm. Phần lớn các em vẫn phải mò mẫm tìm đường đi cho bản thân. „Chúng tôi dẫn dắt các em qua từng ngôi làng, để tìm xem ở đâu thì các em tìm được một thanh âm đồng vọng“, ông Jens Viehweg (Gien-xơ Fi-vêch) trưởng khoa toán và khoa học tự nhiên nói. „Khi các em tìm thấy món đồ của chúng, chúng sẽ tự đi tiếp“.
Một em mê khoáng chất đang viết bài mô tả đầu tiên về mẫu vật vừa tìm thấy trong vùng đất đầm lầy. Sau thời gian bà bị bệnh, một em gái đăng ký bản quyền sáng chế cho quá trình khử trùng máy dẫn nước tiểu. Một con mọt sách dịch lại Shakespeare dưới dạng văn vần. Một em khác chỉ để giải trí đã soạn ra một bản phối âm với chất lượng giật giải.

Quan sát của ông trưởng khoa Fi-vếch cho thấy một số thì tỏa sáng từ con đường thử nghiệm chơi bời như vậy, các em khác lại thiếu đi ý chí nội lực: „Chúng tôi chỉ đưa ra những cơ hội. Khi bọn trẻ không có động cơ nội lực, thì cho dù có năng khiếu đến mấy chăng nữa, chúng cũng không tự bay cao bay xa được.“

„Động cơ nội lực“ Động cơ từ bên trong: đó là sự kết hợp giữa niềm vui trong việc mình làm, ý muốn mạnh mẽ và sự tự tin. Trong trường nội trú St. Afra yếu tố này được tính là một thành phần của năng khiếu  bên cạnh khả năng trí não và tính sáng tạo. Một số nhà nghiên cứu khác còn cho rằng động cơ thậm chí là hình thức riêng của năng khiếu, cái sẽ dẫn đến kết quả cao.
Cái đó không thể được thay thế hay áp đặt từ một sự thúc đẩy đến từ bên ngoài, ví dụ như qua việc khiển trách, khen ngợi hay tặng thưởng. Thậm chí việc gây sức ép quá sớm còn hạn chế sự phát triển của việc tự xác định bản thân tức là việc nhận biết cái gì là tốt cho bản thân mình, cái cốt yếu của việc trưởng thành.

„Ai chỉ được phép làm theo ý muốn người khác và những thúc đẩy nội tâm luôn bị kìm kẹp sẽ dần tự xa lạ với bản thân mình“, nhà nghiên cứu động lực và tâm lý thể thao người Munich Jürgen Beckham (Giuy-gen Bech-ham) phát biểu. Trong phòng mạch của ông, ông đang theo dõi một cô bé chín tuổi bị sức ép với những lịch trình dày đặc các cuộc thi đấu. Và các vận động viên thể thao hàng đầu, những người chẳng còn nói về bản thân mình nữa, mà chỉ dùng ngôi nhân xưng thứ ba „người ta“.
Chỉ những ai trên cơ sở tài năng của bản thân phát triển thành những cái riêng của mình, ở góc độ nào đó thành một phần của chính bản thân mình, mới có được sự đam mê cần thiết để liên tục phát triển trong lĩnh vực ấy. Và anh ta tự hiểu bản thân đủ để biết cái gì là thực sự có giá trị đối với anh ta.
Ai chỉ chăm chỉ cho bố mẹ, thầy giáo hay người huấn luyện mình sẽ tự nổi dậy trong thời kỳ dậy thì. Rồi thì chấm dứt học âm nhạc, thay vì thành lập ban nhạc riêng. Rồi trốn luyện tập, không làm bài tập. Sẽ thành những kẻ „chống đối“, đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu tài năng.
Bạn tôi, anh chàng Ludwig đã quyết định từ sớm con đường âm nhạc cho mình. Đã tham gia các buổi học âm nhạc của nhà thờ từ lúc học cấp II, sau đó thì đăng ký theo học khoa nhạc trưởng và khoa sư phạm ở Berlin, cùng lúc khi Ericsson đang làm nghiên cứu ở đó. Tôi hỏi cậu bạn, cậu nghĩ thế nào về khả năng phát triển của chính cậu. „Nếu tớ nhớ không nhầm, tớ có một khả năng hấp thụ âm nhạc nhanh. Nhưng tớ đã không được khuyến khích để đẩy đến tầm cao, tận tới khi 22 tuổi tớ mới gặp được người thầy quan trọng đối với tớ“, Ludwig kể. „Cuối cùng thì thành công đối với tớ là tìm được một chỗ đứng trong xã hội, mà ở đó tớ hạnh phúc“

Có một người hướng dẫn thích hợp ở thời điểm thích hợp. May mắn. Ngẫu nhiên. „Một số yếu tố nhỏ bé lại có thể có những kết quả khổng lồ“, nhà nghiên cứu tính chuyên môn Fernand Gobet nói vậy  „Gần như có thể nói rằng, việc đạt đến trình độ bậc thầy về bản chất là mang tính hỗn mang“

Cuối cùng thì là hỗn mang. Chẳng có lời giải nào cho phép phù thủy, không có công thức luyện đan. Nhưng một phép thuật nữa tôi vẫn phải đưa ra ánh sáng. Đó là phép thí nghiệm với quả trứng sống.
Trong khi các em học sinh mười hai tuổi tham gia một cuộc tranh tài gói trứng từ tất cả các vật liệu có thể, các nhà sư phạm quan sát các em. Ai là người có được một kim chỉ nam nội tại và luôn tiến về phía trước? Ai định hướng theo người khác? Ai có các sáng kiến độc đáo? Khéo léo ra sao, khả năng đối thoại và làm việc nhóm như thế nào? Liệu quả trứng cuối cùng có chịu đựng được việc rơi từ cửa số hay không thực ra chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả.

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Chữ Đạo

Đạo nguyên thủy thì vô hình, vô tượng, vô thủy vô chung, vô danh và không thể mô tả. Chữ tượng hình Đạo (chữ hán) mà chúng ta sử dụng hàng ngày chứa đựng nhiều hàm nghĩa.


Trước hết, người ta phất bút viết hai dấu: dấu bên trái nghĩa là ánh sáng, bên phải là bóng tối – cũng giống như trong biểu tượng lưỡng nghi, trong đó Âm và Dương quyện vào nhau. Hai chấm này cũng thể hiện cho mặt trăng và mặt trời trên bầu trời, lửa và nước trên mặt đất và đôi mắt trên gương mặt người, nơi phản chiếu ánh sáng từ thế giới bên ngoài đó và với sự tu đạo dường như có thể nhìn thấu cả thế giới bên trong.

Dưới hai dấu này, là một gạch ngang, đó chính là chữ nhất và cũng là biểu tượng cho sự đồng nhất của mọi sự. Dưới đó là hình tượng của khái niệm „ngã (bản thân)“ đặt trong mối liên quan với chính bản thân; điều đó có nghĩa là: toàn bộ vũ trụ đều nằm gọn trong mỗi cái ta và Đạo cũng không thể tách rời khỏi chữ ngã, khỏi mỗi cá nhân được. Những yếu tố cấu thành được kể từ lúc đặt bút đến lúc này kết hợp với nhau tạo nên chữ „Chính“ (chủ chốt, đầu). Tức là muốn nói việc hành đạo là việc tối thượng nhất, quan trọng nhất mà một con người có thể làm. Cuối cùng thì người ta viết tiếp bộ „đi“ vào bên trái, chữ này cũng có nghĩa là du hành hay có hiệu lực. Điều đó hàm nghĩa là hiệu lực của việc học sẽ được thể hiện ra trên toàn bộ cơ thể, rằng  Đạo tác động lên từng cá thể cá biệt cũng như trong toàn bộ vũ trụ. Đó là những ý nghĩa được gói trong chữ tượng hình „Đạo“ vậy.“

(Dịch từ Chen Kaiguo, Zheng Shunchao: Der Meister vom Drachentor. Econ Ullstein List Verlag, München, 2000. S. 33, 34)

Nguyên bản tiếng Đức:

„Das ursprüngliche Dao ist form- und gestaltlos, ohne Anfang und Ende, namenlos und nicht zu beschreiben. Das Schriftzeichen für ‚Dao‘, das wir aus praktischen Gründen benutzen, ist reich an verborgenem Sinn.
Zuerst schreibt man zwei Punkte: Der linke Punkt bedeutet Licht, der rechte Dunkelheit – wie im Symbol des Höchsten [Taiji], in dem Yin und Yang sich umarmen. Diese beiden Punkte stellen auch Sonne und Mond am Himmel, Feuer und Wasser auf der Erde und die beiden Augen des Menschen dar, die ihr Licht umzukehren und im Verlauf der Läuterungsübungen nach innen zu schauen scheinen.


Unter diesen beiden Punkten wird ein einzelner Strich gezogen, der ‚eins‘ bedeutet und die Einheit aller Dinge darstellt. Darunter wird das Zeichen für ‚selbst’ geschrieben, das sich auf das Selbstbezieht; das bedeutet, daß alles im Universum sich innerhalb des eigenen Körpers befindet und das Dao nicht vom Selbst getrennt ist. Wenn die bisherigen Elemente des Schriftzeichens zusammengesetzt werden, bilden si das Zeichen ‚Haupt‘. Das bedeutet, daß die Übung des Dao das Höchste und Wichtigste ist, das man in der Welt tun kann. Zuletzt schreibt man links davon das Zeichen für ‚gehen‘, das auch ‚reisen‘ oder ‚wirken‘ bedeutet. Damit wird das natürliche Wirken der Lehre im ganzen Körper zum Ausdruck gebracht – daß nämlich das Dao im eigenen Körper und in der ganzen Welt verwirklicht wird. Dies sind die Bedeutungen, die in der Form des Schriftzeichens ‚Dao‘ enthalten sind.“

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Jostein Gaarder: Bỉ ẩn của những con bài (Das Kartengeheimnis)

"1439", ông mở đầu.
"Cái chết đen", tôi trả lời. Tôi có chút kiến thức về lịch sử, nhưng tôi không hiểu, cái trận dịch hạch này thì có liên quan gì đến tính "ngẫu nhiên".
"Okay", ông nói và tiếp luôn "Con đã biết rằng, một nửa dân số Nauy đã chết vì trận dịch hạch này. Nhưng còn một điều nữa mà ba chưa bao giờ kể cho con".
Với câu mở màn này, tôi biết sẽ là một bài diễn thuyết dài.
"Con có biết là vào thời điểm đó con đã có đến hàng ngàn tổ tiên họ hàng không?" Ông hỏi.
Tôi lắc đầu đầy nghi ngại. Làm sao mà lại như thế được?
"Chúng ta có hai bố mẹ, bốn ông bà, tám cụ cố, mười sáu cụ kỵ - và cứ tiếp tục như vậy. Nếu con tính ngược trở lại đến năm 1349, thì con số đó là kha khá."
Tôi gật đầu.
"Và thì trận dịch hạch diễn ra. Thần chết lang thang từ làng này sang làng khác và trẻ em bị dính nhiều hơn cả. Trong một số gia đình thì chết tất, một số khác thì một đến hai sống sót. Con đã có vào thời điểm đó vài trăm cụ kỵ tổ tiên, lúc đó còn là trẻ em, Hans-Thomas, và không ai trong số đó bị chết."
"Làm sao mà ba biết chắc được điều đó?" Tôi cao giọng hỏi.
Sau một hơi thuốc dài, ông trả lời: "Bởi vì con đang ngồi đây và ngắm biển Adria."
Ông lại bất ngờ ghi một điểm, làm tôi không biết phải làm sao tiếp. Nhưng tôi biết là ông đúng, bởi vì nếu chỉ một cụ ông hay một cụ bà trong số các cụ tổ tiên đó đã chết khi còn nhỏ tuổi, thì họ đã không thể trở thành tổ tiên của tôi.
"Xác suất để cho không ai trong số các cụ tổ của con chết trẻ là một phần nhiều tỉ", ông tiếp tục và lúc này thì ông tuôn như thác: "Bởi vì, con có hiểu không, không phải chỉ có dịch hạch. Tất cả, tất cả các cụ tổ này còn lớn lên và sinh con đẻ cái, vào những lúc đại họa thiên nhiên khủng khiếp nhất và lại hàng đàn hàng lớp trẻ con bỏ mạng. Nhiều trong số họ tất nhiên là đã bị bệnh này nọ, nhưng tất cả đã sống sót - từ góc độ này, con đã hàng trăm tỉ lần chỉ cách thần chết trong gang tấc, Hans-Thomas ạ. Cuộc sống trên hành tinh này của con luôn bị đe dọa bởi côn trùng, và các loài thú dại, nham thạch và sấm sét, bệnh tật và chiến tranh, lũ lụt và hỏa hoạn, ngộ độc và các âm mưu giết hại. Chỉ trong cuộc chiến ba mươi năm tương tàn (1) con đã hàng trăm lần bị thương. Bởi vì chắc chắn con có các cụ tổ ở cả hai phía - đúng thế, về bản chất con đã tiến hành cuộc chiến, tự chống lại mình và khả năng được sinh ra vào ba trăm năm sau. Và lại một lần nữa như thế vào thời gian thế chiến thứ hai: Nếu một người Nauy tốt bụng đã bắn chết ông nội của con trong thời gian Đức chiếm đóng - thì  cả ba lẫn con.cũng đã chẳng ra đời. Vấn đề nằm ở chỗ là với thời gian những điều đó đã diễn ra nhiều tỉ lần. Cứ mỗi khi một mũi tên vút ra trong không trung là lại một lần khả năng con được sinh ra giảm đi một li tấc. Thế mà lúc này, con ngồi đây và nói chuyện với ba, Hans-Thomas à, con có hiểu được không?"
"Con nghĩ là có", tôi nói. Dù sao chăng nữa tôi cũng cho là tôi hiểu tầm quan trọng của việc bà nội bị thủng lốp ở Froland. (2)
"Ba nói về một chuỗi dài các ngẫu nhiên", ba tôi lại tiếp tục. "Và cái chuỗi này nối dài mãi đến tận tế bào sống đầu tiên, cái tế bào sau đó đã phân chia và từ đó là sự bắt đầu cho tất cả mọi giông loài ngày nay đang sinh sôi nảy nở trên hành tinh này. Xác suất để cái chuỗi của ba trong suốt chiều dài ba đến bốn tỉ năm này không bị đứt gãy là rất nhỏ, nhỏ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nhưng mà ba đã vượt qua. Ừ, thế đấy, khỉ thật, ba đây. Và ba biết, ba đã có một may mắn kỳ diệu đến cổ quái để được trải qua cuộc sống này với con. Ba biết, mỗi một con sâu bọ nhỏ xíu trên hành tinh này đều may mắn làm sao."
"Thế còn những kẻ không may mắn?" tôi hỏi.
"Không tồn tại thứ đó!" Ông gầm lên."Chúng không bao giờ được sinh ra. Cuộc sống là vòng xổ số duy nhất mà chỉ những kẻ thắng cuộc hiện diện."

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Cả một trời yêu bây giờ trở lại! - Phần 1

Thực ra câu nguyên gốc là cái câu thổn thức "Cả một trời yêu bao giờ trở lại!" trong cái bài nhạc vàng "Mười năm tình cũ" mà mình chuyên nghe chữ được chữ mất từ loa hàng xóm! Chẳng bao giờ nghĩ là nó lại lởn vởn trong đầu mình, cho đến khi đọc cái này của Xu. Nhưng đó là một chuyện chẳng liên quan gì với cái notice này, ngoài cái câu "Mười năm không gặp..." và "Cả một trời yêu..." và cũng chẳng có gì thổn thức thống thiết ở đây...



Không nghĩ là đã hơn mười năm rồi mới quay lại Paris, nơi mà mình đã ngoa ngôn "còn thông thuộc hơn là TP mình đang sống"!

Paris, Paris... thành phố của âm nhạc, hội họa và ái tình, trung tâm hoa lệ của phong kiến châu Âu lâu đời, từng là cái rốn văn minh của nước mẹ thực dân Đại Pháp, gót chân lính đi tới đâu thì tinh hoa văn minh vật chất của thế giới dồn tụ về Paris tới đó.

Paris, Paris... cái nôi của cách mạng Pháp 1789 lật sang trang mới - nền cộng hòa - cho toàn châu Âu. Paris, đất mẹ của thần tự do Newyork cũng đồng thời là quê cha của máy chém đầu Guillotine(1). Quảng trường Concorde (có nghĩa là hài hòa) ban đầu mang tên vua Louis XV, ông vua đầy kiêu hãnh đã tự dựng tượng mình ở đây, cũng chính là nơi con trai và con dâu của ông - Vua Louis VI và hoàng hậu Marie Antoinette - bị chém đầu. Cùng với họ là khoảng 40 000 tử nạn khác của Cách mạng Pháp (2). Máu đã nhuộm đỏ trên những viên đá lát quảng trường khi đó mang tên quảng trường Cách mạng. Để giảm nhẹ cho lịch sử hãi hùng của quảng trường, vào năm 1836 người ta đã đưa về dựng ở đây cột đá cổ 3300 năm, cao 23m, đại diện của nền văn minh cổ Hylạp hoàng kim một thời.

Paris, Paris phơi bày sức sống ngồn ngộn qua những bộ ngực trần phơi nắng hai bên bờ sông Seine, Paris cũng không ngần ngại trưng với khách du lịch vương quốc của tử thần với sáu triệu bộ xương khô được xếp sắp ngăn nắp trong hầm mộ (Les Catacombes) dưới lòng thành phố, nơi vốn trước kia là những mỏ khai thác đá vôi(3).

Paris với Khải hoàn môn kỳ vĩ, gắn với tên tuổi lẫy lừng của hai nhà quân sự đại tài nước Pháp - Napoleon và Charles de Gaulle (4). Khải hoàn môn được xây dựng theo lệnh của hoàng đế Napoleon để vinh danh đội quân chiến thắng của mình. Vị hoàng đế luôn mộng đến những điều kỳ vĩ cho dựng đài kỷ niệm theo nguyên mẫu cổng Titus của đế chế La mã xưa, nhưng to gấp 3 lần. Chính vì vậy mà việc xây dựng phải kéo dài 30 năm. Trong thời gian này, Hoàng đế đã bị buộc thoái vị, bị trục xuất khỏi Paris và phe bảo hoàng lại nắm chính quyền. May thay cho những ai thích chiêm ngưỡng Khải hoàn môn: vua Louis-Philippe đã không vì thù riêng vẫn cho phép công trình được tiếp tục!

Paris gắn với tên tuổi của hằng hà vô số các nhân vật tiếng tăm trong mọi lĩnh vực. Trong số đó chắc ít người biết đến một đại gia người Anh, nhà sưu tầm nghệ thuật Richard Wallace. Ông sống ở Paris cách đây khoảng 100 năm và yêu Paris. Để thể hiện tình yêu của mình, ông đã tặng thành phố bốn bồn phun nước công cộng, cung cấp nước sạch để uống không mất tiền. Bốn bồn phun nước Wallace có thiết kế khác nhau nhưng cùng phải đáp ứng các tiêu chí: phải đẹp và tiện lợi, rẻ và dễ lắp ráp. Nó phải nổi bật để được nhìn thấy ngay nhưng phải phù hợp với quang cảnh xung quanh. Wallace muốn tặng cho thành phố ông yêu thêm vẻ đẹp và sức khỏe! Chợt chạnh lòng, đến bao giờ mình yêu Hà nội của mình được như thế!

Mình vốn cẩn trọng khi thể hiện tình cảm, bảo rằng mình yêu Paris thì sợ hơi sến quá vì chưa được sống với nàng nhiều! Nhưng Paris hấp dẫn mình lắm, trên hết không phải vì dòng sông Seine duyên dáng cho những cây cầu đẹp tuyệt vời với bao nhiêu cung điện lâu đài soi bóng, và và và... mà vì Paris có tất cả, ở Paris người ta có thể tìm thấy tất cả, như trong một con người, như trong một cuộc đời. Đến với Paris, người biết nghe sẽ nghe thấy nhịp đập trái tim cuộc sống, người biết cảm sẽ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống phả nhẹ lên da thịt mình. Và người ta sẽ phải yêu, yêu mình, yêu người và yêu cuộc đời này.

***
(1) Trước 1792 chỉ những nhà giàu có và quyền lực ở Pháp mới có đặc quyền "được" bị chém cổ, tất cả dân đen còn lại phải chịu án treo cổ, bỏ vạc, đóng thập tự, hoặc lăng trì. Cho đến khi luật được thay đổi và mọi án tử hình đều được thực hiên bởi Guillotine, máy chém do tiến sĩ người Pháp Joseph-Ignace Guillotine phát minh với mục tiêu giảm cực hình cho người chịu án nhớ những nhát chém chính xác và nhanh gọn của nó. Tội nghiệp cho nhà phát minh, vì mục tiêu nhân quyền mà tên tuổi lại được gắn liền với một công cụ rùng rợn nhất mà con người sáng tạo ra!
(2) Ý nghĩa to lớn của Cách mạng 1789 các thế hệ học sinh VN đều đã biết. Những hình ảnh hùng tráng của nó dưới ngòi bút của những nhà văn bậc thầy như Vichtor Hugo cũng không xa lạ gì với nhiều thế hệ học sinh VN. Nhưng chắc không phải ai cũng biết rằng vào giai đoạn sau, cuộc Cách mạng đã biến tướng thành một thứ nồi da nấu thịt. Người ta nói "Cách mạng 1789 thậm chí ăn thịt cả những đứa con của chính mình" vì thậm chí những nhà lãnh đạo CM thời kì đầu như Danton và Robespierre cũng không tránh khỏi thảm cảnh trong cuộc thanh trừng vô tội vạ này.
(3) Vào cuối thế kỷ XVII, do tình trạng quá tải của các nghĩa trang Paris gây ra ô nhiễm trầm trọng căn nguyên cho hàng loạt bệnh dịch, người ta đã tiến hành một cuộc đại bốc mộ cho 6 triệu cư dân của Diêm vương Paris. Cuộc "di dân" này bắt đầu từ năm 1786 và kéo dài hơn 70 năm mới kết thúc. Khách du lịch sẽ chứng kiến ở đây một hình ảnh rất cộng đồng: các di hài không được xếp sắp theo cá nhân nữa mà theo bộ phận: tay với tay, chân với chân, đầu với đầu, đôi chỗ còn được tạo hình như trái tim hay cây thánh giá: quả là một nơi rèn luyện lý tưởng cho những người yếu bóng vía!
(4) Cổng khải hoàn nằm chính giữa quảng trường Charles de Gaulle.


Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Reinhold Messner: Những người thành công lên giường với công việc và trở dậy với công việc



post lại entry trong FB 29. September 2009
Reinhold Messner sinh 1944 tại Südtirol (Nam Tirol - vùng núi phía nam của dãy Alpơ, theo địa giới hành chính hiện tại thuộc Italy nhưng dân cư ở đây là các tộc người Đức-Áo vẫn giữ truyền thống và nói tiếng Đức). Ngay từ nhỏ đã luyện môn trèo núi và sau này nổi tiếng bởi hàng loạt các kỷ lục. Ông được biết đến như một bậc thầy chinh phục các ngọn núi cao. Đã đặt chân lên tất cả 14 đỉnh cao trên 8000m, 1978 ông là người đầu tiên cùng với Peter Habeler lên đỉnh Everest mà không sử dụng bình dưỡng khí. Hai năm sau đó là người độc hành đầu tiên lặp lại thành công ấy. Ông đã đi bộ qua Nam cực và Grönland, không đảng phái ông đại diện cho đảng xanh của Italie trong quốc hội châu Âu và mới dựng nên một loạt nhà bảo tàng núi. Messner có 3 con và sống với bạn đời tại Meran, cũng như tại lâu đài Juval trong thung lũng Schnal.

Sau đây là trả lời phỏng vấn của Messner với tờ tạp chí "Forum", tạp chí khách hàng của hãng tư vấn tài chính MLP, Đức


Thách thức giới hạn
Reinhold Messner: Về việc giảm tốc, về du lịch sinh thái và về các cực điểm của kinh doanh bảo tàng.

Một căn hộ sát mái trong quận nhà vườn tại Munich. Reinhold Messner khoác chiếc áo choàng len với những chiếc khuy gỗ. Không khí trong căn hộ mát lạnh, hầu như không ấm hơn bên ngoài. Messner không mấy khi ở đây, căn hộ đối với ông chỉ như chiếc lều chứa đồ trên núi, ghé chân qua một lát rồi lại lên đường.
Trong lối đi dẫn đến phòng khách có hai tủ bup phê chứa các đồ lưu niệm châu Á. Những kệ sách cao đến sát trần nối tiếp nhau. Đằng trước là một chiếc bàn cẩm thạch với những chân quỳ cách điệu hình hoa tuylip. Người đàn ông thách thức các giới hạn choán chỗ ngồi có một góc nhìn bao quát, ánh mắt hướng về tác phẩm nghệ thuật của một họa sĩ Pháp. Bức tranh mô tả cung điện Juval, tư dinh của Messner trên đường vào thung lũng Schnal và cũng là một trong những phòng trưng bày bảo tàng „Messner Mountain Museum“ (MMM) của ông. Bảo tàng ở thời điểm hiện tại có bốn nhóm hiện vật theo bốn chủ đề. Cung điện Juval giành cho các hiện vật với chủ đề „Huyền thoại Núi“, trên đỉnh Mont Rite ông đã tha lôi lên các đồ trưng bày về lông thuộc, chếch về phía Nam tại Ortler ông cho đặt một viện bảo tàng về băng trong lòng đất, và hành dinh MMM trong cung điện Sigmundskron ở Bozen là nơi giới thiệu những gì mà núi non đã làm với con người. Bảo tàng cuối cùng, số năm về các cư dân vùng núi sẽ được khai mạc vào 2010 tại Bruneck.

Forum: Thưa ngài Messner, ông đã đi bộ qua các xa mạc tuyết và các xa mạc cát, đã đặt chân lên tất cả các đỉnh cao trên 8000, không cần bình ôxy và nhiều lần trong đó là độc hành. Giờ thì ngài lại điều hành viện bảo tàng. Ngài lại tìm đường đến với rủi ro chăng?

RM: Rủi ro về kinh tế ở dự án làm bảo tàng này lớn hơn tất cả các rủi ro đã có trong các cuộc mạo hiểm của tôi trước đây cộng lại. Đâu đó khoảng 100 lần so với rủi ro của một lần thám hiểm. Nhưng với các dự án tôi không đặt cho mình câu hỏi: Nó sẽ đem đến cái gì, mà chỉ là: Tôi có thích và tôi có thể làm không?. Giới chuyên môn đã nói với tôi rằng: với cái khung tài chính của tôi thì một dự án lớn như vậy là không thể thực hiện được.

Forum: Tại sao ngài lại vẫn đem trứng trọi đá?

RM: Tôi bị trí tò mò lôi kéo. Tôi luôn bị cuồng bởi sự thôi thúc làm cái gì đó mới lạ, khác biệt, hoàn toàn ngớ ngẩn ấu trĩ. Thế mạnh của tôi là: Tôi tới từ một thế giới khác. Tôi nhìn mọi sự trước hết từ một góc nhìn khác và nói với mình: người ta có thể đi bằng đường này hay đường khác. Đi lại lối mòn là một điều sai lầm hoàn toàn.

Forum: Vậy thì nên tránh xa các chuyên gia?

RM: Lúc đầu tôi đã có một Brainstorming với ba giám đốc bảo tàng từ Munich, Zurich và Rôm. Trên nguyên tắc tất cả những gì tôi thực hiện giờ đây là ngược lại cái mà họ đã khuyên tôi: Tôi nên tìm tới một trung tâm đô hội và mở một bảo tàng duy nhất ở đó là cái mà họ hình dung. Tôi đã không thể tin là tôi có thể dựng nên cái „Thế giới của núi“ của tôi ở Munich, chỉ tính riêng chi phí xây dựng thôi cũng đã là không thể.

Forum: Chà, bây giờ thì Südtirol chưa kịp nổi tiếng về tính đô hội…

RM: Mỗi năm có năm triệu khách du lịch đến với Südtirol và ở đó một tuần. Trên nguyên tắc nó ngang bằng với số dân của một thành phố lớn. Đó chính là khách hàng của chúng tôi, dự án của tôi hướng tới những người đó.

Forum: Những nhà bảo tàng trong lâu đài Juval, trên đỉnh Monte Rite, ở Ortler và cả cái lớn nhất trong lâu đài Sigmundskron đã thành hiện thực, và cái thứ năm với chủ đề „Cư dân vùng núi“ vừa được dựng lên ở Bruneck. Tại sao mà ngài vẫn thực hiện được cái điều không thể đó?

RM: Thành công của tôi là ở chỗ, tôi đã học được cách hoàn thành những công việc của tôi chỉ với một phần nhỏ chi phí. Một cuộc thám hiểm năm 1970 được dự tính chi phí khoảng nửa triệu USD. Tôi đã thực hiện cái tương tự với khoảng 10000 Euro, ở một vài điểm còn đạt thành công lớn hơn cả dự tính.
Tôi chắc rằng, nếu tôi dùng đến tất cả các chuyên gia mà bình thường người ta cần đến cho một dự án như cái Sigmundskron thì tôi sẽ phải chi thêm 10 triệu Euro nữa. Mà tôi không thể chi đến con số đó.

Forum: Ngài thích nhất là làm việc một cách độc lập?

RM: Trong rất nhiều khâu đoạn tôi đã làm việc độc lập, một mình. Nhưng tôi không phải là kẻ độc hành điển hình. Trong lĩnh vực leo núi tôi đã học rất nhiều các bậc thầy có tuổi và giỏi hơn tôi, họ dạy tôi các bài học cần thiết. Ngay khi đã trở thành nhà leo núi cao thì cuộc thám hiểm đầu tiên tôi cũng không tự tổ chức lấy. Với các tua vùng biên và trong các thung lũng sâu tôi cũng phải nhờ đến các chuyên gia, những người có những khả năng mà tôi không có. Nhà định vị Arved Fuchs là cần thiết sống còn trong chuyến đi Nam cực. Trong chuyến đi này tôi đã học được từ ông phương pháp định vị.
Nhưng nếu tôi chung với ai đó cái dự án bảo tàng này – ví dụ như đã có dự tính sẽ cùng làm với các hiệp hội vùng Alpen – thì chắc nó đã trở thành một tai họa.

Forum: Tại sao?

RM: Hội đồng, rồi họp hành, rồi biểu quyết – tất cả sẽ bàn ra tán vào nhưng chẳng đem đến cái gì cả. Trong khi chuẩn bị tôi đã có các buổi gặp gỡ, nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng: hợp tác sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết.

Forum: Trong cuộc đời ngài, cứ sau một thời gian, lâu nhất là sau 15 năm, ngài lại tìm đến những thách thức mới. Công tác bảo tàng lần này liệu sẽ kéo dài bao lâu?

RM: Tôi muốn kiểm soát các nhà bảo tàng cho đến khi tất cả hoạt động một cách đồng bộ và trôi chảy. Về cơ bản MMM là một không gian bảo tàng, được thiết lập trải rộng trên khắp vùng Sudtirol. Sigmundskron chạy tốt. Nhiều khách đã ở đó sẽ tự động tìm đến với Juval. Juval chạy cũng rất tốt. Nhưng các nhà bảo tàng nhỏ thì vẫn còn vấn đề, đó là những địa điểm mà thực ra chúng tôi không muốn lựa chọn.
Nếu toàn bộ chạy ngon lành trong vòng một vài năm tới thì tôi sẽ tìm một giám đốc trẻ có năng lực và tự mình lùi vào sân sau.

Forum: Giờ thì ngài đã đứng ra bảo đảm rằng các triển lãm này sẽ đứng vững trong vòng 30 năm tới. Có xung đột chăng với kế hoạch sống cứ sau 15 năm lại phải tìm đến thách thức mới?

RM: Hoàn toàn không, tôi là người luôn đề cao tính bền vững. Với các tuổi 40 tôi chẳng có một cái bảo hiểm hưu trí nào hết, tôi chẳng trả một xu nào cho những cái quỹ đó cả. Thay cho việc lựa chọn một quỹ nào đó, tôi đầu tư vào một nông trại bị phế hỏng. Tôi đã xây dựng lại nó thành một nông trại sinh thái, ở đó bây giờ tôi sản xuất tất cả những gì mà chúng tôi cần để sống: bánh mì, rau quả, thịt thà – tất cả. Tất nhiên nó cũng cần đến một chút kinh tế trao đổi, không có thì không xong. Với thời gian tôi đã có đến 3 nông trại. Tất cả chạy dưới hình thức thuê bao.
Nông trại ở Juval cho một gia đình thuê bao. Gia đình này cai quản và sử dụng ngôi nhà chính như một nhà trọ. Ở đó bán ra 90 đến 95% sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi kết hợp du lịch với nông nghiệp. Nó đem lợi hơn rất nhiều so với việc đem sản phẩm ra chợ bán, bởi vì toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng nằm lại ở nông trại. Do đó chúng tôi chẳng cần đến thủ thuật hay trợ giá sữa. Cái hệ thống trợ giá cho nông nghiệp chẳng chóng thì chầy cũng sẽ sụp đổ. Nhưng những nông trại của tôi thì sẽ còn tồn tại trăm năm nữa. Các nhà bảo tàng cũng vậy, không phụ thuộc vào việc ai là người điều hành chúng.

Forum: Ngài không hề lo sợ chút nào trước những khủng hoảng kinh tế như lần này sao?

RM: Lo sợ trước một khủng hoảng mang tính toàn cục? Không, tôi sẽ quay về nông trại Juval, tự tay làm ra những thứ cần thiết cho cuộc sống. Và 3 năm sau, khi khủng hoảng đi qua, tôi sẽ lại quay trở lại và lại thúc tiến các dự án.
Tôi chưa bao giờ tin vào các quỹ bảo hiểm cả và vào giờ đây cũng vẫn không tin. Ngay cả các chương trình điều tiết mà giờ đây đang đổ tiền ra, một lúc nào đó người dân lại phải trả lại với gánh nặng mới, với lạm phát.

Forum: Với các khách hàng của MLP ngài sẽ có các bài nói chuyện dưới chủ đề “Chinh phục các đỉnh cao – Niềm tin của kẻ thách thức giới hạn”. Phải chăng có mối liên quan nào đó giữa các hoạt động ở mức giới hạn và làm kinh doanh?

RM: Có một sự tương quan rất thú vị giữa kinh tế và các cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Từ các hoạt động ở mức giới hạn người ta có thể giải thích nhiều điều trong kinh tế và trong quản lý doanh nghiệp, vì mọi thứ hồng hoang đều có thể nhìn thấy lại ở chốn hoang dã. Công tác lãnh đạo có thể so sánh với việc chinh phục rặng Eiger Nordwand (Bức tường thành phía Bắc dãy Alpơ, thách thức nhiều nhà leo núi về độ cao và sự hiểm trở của nó-ND). Việc tạo hứng thú cho công việc giống như khi các nhà leo núi chuẩn bị hàng năm trời cho chuyến đi của họ.

Forum: Trong các bài nói chuyện ngài sẽ bật mí về các công thức tạo hứng thú cho công việc chứ?

RM: Người ta không thể mua được hứng thú, nó không phải là hàng hóa tiêu thụ. Người ta không thể có nó từ tay kẻ khác. Chỉ có các nhà huấn luyện tạo hứng thú (Motivations trainer) mới tin vào điều đó. Khi mà với ai đó bản thân họ và dự định nào đó thật sự hòa làm một thì người đó sẽ luôn có động cơ làm việc.
Những kẻ rất thành công trong kinh doanh, trong nghệ thuật là những người lên giường và thức dậy cùng với công việc của họ. Không phải vì họ bị buộc phải làm thế mà bởi vì công việc chính là bản thân họ.

Forum: Trong kinh tế người ta cũng thường dùng đến các thuật ngữ của các nhà leo núi: Đáy thung, leo lên, đỉnh, nhóm người cùng leo dây…

RM: Việc leo núi, quan sát tứ góc độ một vận động lớn, là tấm gương phản ánh xã hội. Giai đoạn đầu tiên thì việc chinh phục các đỉnh cao được đặt lên hàng đầu. Nó là khoảng thời gian chinh phục các thuộc địa. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chủ nghĩa Alpơ gặp nhiều trắc trở. Ở đó thì việc có leo được lên đến đỉnh hay không chẳng còn quan trọng nữa. Ai đã lên bằng con đường hiểm trở nhất và xuống an toàn tức là thành công. Giai đoạn tiếp đến là chủ nghĩa Alpơ chối bỏ. Chúng ta đã tự giác chối bỏ công nghệ, giảm thiểu đến mức tồi đa vào những gì cơ bản nhất và ý thức triệt để về mức chi phí trở thành quan trọng. Ngày nay chúng ta sống trong chủ nghĩa alpơ làm đường, một hình thức tiêu thụ. Bây giờ thì những con đường hiểm trở trước kia được sang sửa cho số đông cùng trèo – và người ta có thể đặt chỗ. Hiểm nguy và căng thẳng đã được gạt bỏ. Các nhà leo núi được dẫn đi, được đẩy, được kéo được trang bị bình ôxy và những cái mũ tai bèo. Người ta trả tiền để mua vinh quang.

Forum: Và đó là cái gai trong mắt ngài?

RM: Điều đó chẳng hay cũng chẳng dở, đó chỉ là một cánh cửa hoàn toàn khác dẫn vào thế giới mà thôi. Và cái chủ nghĩa Alpơ tiêu thụ này cũng được phản ánh lại trong xã hội. Người Mỹ bội chi ngân sách với hy vọng ba năm nữa sẽ thu về những gì mà họ vung ra ngày hôm nay. Nguyên tắc phát triển bây giờ là: Tất cả đều sẵn có! Chúng ta có thể đi du lịch, không cần tiền, mua ôtô không cần tiền. Tất cả nằm trong tay nhà nước bảo hộ, liên tục phát triển và phát triển liên tục, không điểm dừng. Nhưng mà chẳng bao lâu đâu, sẽ chẳng có cái gì ở đó nữa cả.

Forum: Nguyên nhân là ở chỗ: con người ta cứ hướng lên các đỉnh cao?

RM: Không phải, mà chỉ là nữa và nữa. Có rất nhiều giá trị mà đúng ra lúc này rất quan trọng, nhưng chẳng ai muốn nghe nói đến chúng, giảm tốc là một ví dụ; từ chối thay cho việc liên tục leo cao, cùng chung trách nhiệm thay cho sở hữu dân tộc. Khi trèo lên các đỉnh núi lớn tôi phải giảm tốc độ di chuyển so với tốc độ cuộc sống thường ngày. Nếu không tôi sẽ tiêu. Quá trình toàn cầu hóa đã trở nên quá nhanh, và sự phát triển đã không bắt kịp tốc độ ấy. Việc giảm tốc thì chỉ có thể khi tất cả cùng nhau hợp tác dưới hình thức cộng đồng thế giới. Chúng ta hãy cùng phát triển chậm lại một chút!

Forum: Có câu ngạn ngữ: Nếu thần thánh muốn trừng phạt ai thì sẽ biến giấc mơ của người đó thành sự thật. Có phải ngài thường xuyên bị trừng phạt?

RM: Một trong những cái mẹo của tôi là: cứ sau khi hoàn thành được giấc mơ của mình thì tôi lại tìm cách làm đầy cho cuộc sống bởi những nội dung mới và tìm ra đam mê cho nó. Có được điều đó cũng bởi vì khi ở một điểm mà tôi chưa cho là đỉnh điểm tôi đã đi tới quyết định chuyển sang một giai đoạn mới. Với sự chuyển tàu này, tôi đã học được rằng trong đời, tôi lại có thể chuyển tàu lần ba, lần bốn, lần năm. Mấy cái bảo tàng chắc chắn sẽ không phải là khúc cuối cùng của đời tôi. Luôn với một điều kiện rằng tôi còn sức khỏe.

Forum: Trong một phỏng vấn gần đây, ngài có đề cập đến một mơ ước, một ngọn núi tuyệt vời ở Nepal, nhất thiết ngài còn phải đặt chân tới đó…

RM: Nếu mà tôi còn cơ hội, tôi sẽ còn đảm đương được một vài cuộc phiêu lưu nhỏ nữa. Ngọn núi nhỏ này có thể là một trong số đó. Nhưng cũng không cứ gì. Nhiệm vụ sống trước mắt của tôi là gì không quan trọng. Thách thức tôi tìm tới sau khi dựng xong mấy cái nhà bảo tàng này sẽ có bản chất trí não và tinh thần. Với cái tuổi của tôi thì thật ngớ ngẩn khi tôi còn cố làm nhanh nốt một cuộc dạo bộ trên mặt trăng. Tôi chẳng còn phải chứng minh cho mình điều gì cả, cứ việc tiến hành thôi.
Forum: Giờ thì ngài cũng đã vào cái tuổi 64, lẽ ra ngài nghỉ ngơi được rồi…
RM: Lý thuyết thì là như vậy, nhưng tôi sẽ không làm điều đó. Dưỡng già là một viễn cảnh mà tôi chưa bao giờ hình dung cho mình. Tôi vẫn còn quá trẻ cho việc đó và còn quá nhiều ý tưởng chỉ có giá trị khi tôi biến chúng thành hiện thực.

(Hết)

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tự do

1. Oải. Nghỉ. Gác chân. Bên lề cuộc sống.
Lại chợt giật mình. Vì một lời hứa nghe nhạc của một cậu bé đẹp trai và hình như ái.
Thế là. Bắt được cái này.



Cái này nữa.




2. Á. Cái nhạc nền Spirit vẫn mê. Hóa ra là từ vở ca kịch Elisabeth với nhân vật huyền thoại Sissi. Lyric của nhạc kịch này cũng tuyệt hơn lyric của spirit nữa. Cái Version thứ hai là từ cuộc thi tài năng của Hà lan, cô bé hát tiếng Hà lan, nghe cũng hay.

Tạm ra tiếng Việt từ Lyric tiếng Đức (ở dưới) này:



Em chỉ thuộc về em thôi

Em không muốn
ngoan ngoãn nhu mì và dễ bảo
Em không muốn
khiêm tốn, dễ thương và phờ phĩnh
Em không phải là sở hữu của anh
Bởi vì
Em chỉ thuộc về em thôi!

Em mong mình
từ sợi cáp treo cao tít
nhìn thẳng xuống đời này!
Em mong
chạy trên băng
xem chừng nào kiệt sức
Đừng cản bước
Bởi vì
Em chỉ thuộc về em thôi!

Nếu anh muốn dạy dỗ em
Anh sẽ đẩy em
cởi bỏ ràng buộc cuối
Nếu anh muốn thuần phục em
em sẽ giật phăng xiềng xích
và cất cánh về phía mặt trời

Và nếu em muốn
có những vì sao
em sẽ tự mình tìm lấy
dù lớn lên và học hỏi
em vẫn là em trước tiên.
Em sẽ vùng vẫy đến cùng
trước khi đánh mất bản thân mình.
Bởi vì em chỉ thuộc về em thôi!

Em không muốn oằn mình
gánh những chất vấn mà mong ước (của người khác - người tạm dịch chú thích thêm:))
không muốn những cái nhìn thóc mách
rọi từ chân đến đầu.
Em sẽ bỏ đi trước những cái nhìn xa lạ
Bởi vì em chỉ thuộc về em thôi!

Và nếu anh muốn có em,
thì đừng ghiềng chặt lấy!
Tự do!
Em không bao giờ từ bỏ.

Và nếu anh ràng buộc em,
em sẽ rời bỏ tổ ấm chúng mình
và lặn vô tăm nơi đáy biển.
Em chờ mong những người bạn
và kiếm tìm vòng tay ấm
em xẻ chia niềm vui và nỗi buồn
Nhưng xin đừng đòi hỏi cuộc sống của em,
em không thể đem nó cho anh,
vì em chỉ thuộc về em thôi,
chỉ mình em!

Ich gehöre nur mir

Ich will nicht
gehorsam, gezähmt und gezogen sein,
ich will nicht
bescheiden, geliebt und betrogen sein,
ich bin nicht das Eigentum von dir,
denn ich gehör nur mir

Ich möchte
vom Drahtseil herabsehen auf diese Welt,
ich möchte
aufs Eis gehn und selbst sehen wie langs mich hält,
was geht es dich an was ich riskier?
Ich gehör nur mir

Willst du mich belehren,
dann zwingst du mich bloß
zu fliehen von der lästigen Pflicht.
Willst du mich bekehren, dann reiß ich mich los
und flieg wie ein Vogel ins Licht!

Und will ich die Sterne, dann finde ich selbst dorthin
ich wachse und lerne,
und bleibe doch wie ich bin.
Ich wehr mich bevor ich mich verlier,
denn ich gehör nur mir.

Ich will nicht mit Fragen und Wünschen belastet sein,
vom Saum bis zum Kragen von blicken betastet sein.
Ich flieh wenn ich fremde Augen spür,
denn ich gehör nur mir.

Und willst du mich finden,
dann halt mich nicht fest.
Ich geb meine Freiheit nicht her.

Und willst du mich binden
verlass ich dein Nest
und tauch wie ein Vogel ins Meer.
Ich warte auf Freunde
und suche Geborgenheit
ich teile die Freude ich teile die Traurigkeit
doch verlang nicht mein Leben dass kann ich dir nicht geben
denn ich gehör nur mir!
Nur mir!



Thế là.

3. Lẩn thẩn ngợi: hóa ra trước giờ vẫn định kiến: hát tiếng Anh hay hơn tiếng Đức. Ở bài này thì ngược lại.

4. Lẩn thẩn nhớ. Cái thời mực tím. Khoái đọc và chép thơ. Của nhau. Sổ thơ của cô bạn gái người Hải dương xinh và phóng khoáng có câu thơ không chép lại mà nhớ mãi đến tận bây giờ:
Tự do và Ái tình!
Vì các người ta sống
Vì Tình yêu lồng lộng
Ta hiến cả đời ta
Vì Tự do muôn đời
Ta hy sinh tình ái!

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Janosch: Bản lý lịch thần thông



Tôm vừa tròn sáu tuổi. Tháng tám sẽ đi học lớp một. Tôm thành người lớn rồi. Mẹ muốn có gì đó tặng cho Tôm vào sinh nhật sáu tuổi. Và mẹ chọn Magischer Lebenslauf của Janosch. Các bạn nhỏ Việt nam thì chắc chưa nhiều người biết đến Janosch và con vịt có bộ lông hổ vằn vện nổi tiếng của ông. Mẹ dịch Magischer Lebenslauf ra tiếng Việt để tặng cho Tôm và các bạn nhỏ Việt nam, và cả các bạn lớn Việt nam những ai chưa quên mình đã từng nhỏ.


Phép thần thông là phép phù thủy, một sự phù phép. Dân làng đều biết đến các biểu tượng có tính phù phép bùa chú, những ký hiệu được viết trên khung cửa ra vào, để không cho kẻ thù bước qua hay ngăn không cho lửa bỗng nhiên tiêu hủy cả ngôi nhà. Dấu thánh giá là một biểu tượng thần thông. Và một vòng tròn cũng vậy.

Rồi thế nào cũng sẽ đến lúc mà bạn sẽ đến trường và viết bản lý lịch đầu tiên trong đời. Ngày sinh, nghề nghiệp cha, mẹ tên là gì, bạn học lớp một ở trường nào, bạn sống từ trước tới giờ ở đâu.

Mười năm sau bạn sẽ phải một lần nữa viết lại lý lịch, khi mà bạn kiếm một chỗ học việc hay kiếm việc làm; chẳng có gì xảy ra trong quãng thời gian đó, bản lý lịch được lặp lại y như vậy, thêm vào đó là tám năm cắp sách đến trường, một nửa câu viết trên một dòng chữ.

Những bản lý lịch này chán ngắt như bánh mỳ cũ vậy. Có quái gì là quan trọng cơ chứ, việc bạn sinh ra ở đâu và khi nào và bắt đầu đi học ở trường nào – tất cả những cái đó là tầm bậy. Những gì mà bạn thật sự trải qua, những gì bạn đã nghĩ, đang nghĩ, những gì có thể đến trong đời bạn, những cái đó bạn lại không thể viết vào bản lý lịch. Ai là người bạn có thể chơi được, ai là bạn tốt nhất của bạn, tất cả những cái đó lại chẳng ai thèm đếm xỉa đến.

Tự nghĩ ra những bản lý lịch thực sự cho bản thân, điều đó quả là tuyệt: „Chúng tôi sống trong một ngôi làng nhỏ sau những cánh rừng, ngôi làng mà ở đây không ai biết đến. Có tám anh chị em, sâu chú bé và hai cô bé. Bố tôi là người bắt gấu, ông ấy có thể dùng tay để bắt gấu. Bố rình từ đằng sau con gấu, ôm lấy chú ta từ sau lưng và giữ chặt lấy đến khi cậu chàng ta (tức là con gấu) mệt lử và phải đầu hàng. Thế là bố tóm lấy tay nó và dắt về nhà. Chúng tôi có một con gấu như vậy làm ô sin. Nó giặt áo quần cho chúng tôi và chuẩn bị bữa sáng. Nó nuôi ong ở sau vườn và thế là chúng tôi luôn có thứ mật ong tốt nhất mà không mất tiền, thật sự là thế.

Một lần một người anh của tôi bị chó sói tấn công. Nơi đó cách nhà chừng cả cây số. Chẳng có ai để cầu cứu ở gần cả. Tự nhiên chú gấu ô sin của nhà tôi hếch mũi lên hít hít, chạy ra xô cửa rồi cứ thế dông thẳng ra ngoài, tay chỉ về phía cánh đồng. Và thế là theo hướng đó cách nhà một cây số, mọi người đã tìm thấy anh tôi khi anh đang cố sống cố chết chạy thoát thân và con sói. Mẹ tôi giật khẩu súng ra khỏi đai lưng, nổ bảy phát qua nòng… Krrch.. peng… pang… peng… peng… Krrrrrch, Krrrch… Thành bảy cái lỗ trên mình sói! Chúng tôi sống trong ngôi nhà đó đến khi tôi lên bảy tuổi, bố tôi sau này chỉ còn một tay. Bố tôi không bao giờ muốn thành người giàu có. Ông nói, ai lắm của, người đó đeo đá vào chân, không thể tự do. Bố tôi bất tử…”

Bạn có thể nghĩ ra cho mình những bản lý lịch tuyệt vời. Bạn có thể viết về một người bố có thể của bạn: ông ấy không bao giờ muốn trở thành người giàu có, và chúng ta trước đây sống trong một ngôi làng cạnh biển. Hay trong rừng.

Bạn có thể nghĩ ra cho mình bà mẹ của bạn, một bà mẹ không bao giờ lặp đi lặp lại những câu đại loại: bỏ chân xuống khỏi ghế, ngồi thẳng lưng, ngửng đầu lên!, mà nói với bạn như nói với một con người, và khi mẹ nói gì đó, thì rất đáng để lắng nghe.

Bởi vì điều đó thật sự có nghĩa nào đó.

Bạn có thể tưởng tưởng ra một người ông mà bạn sẽ đến thăm trong những kỳ nghỉ. Ông kể cho bạn những điều cần thiết về thế giới. Những bản lý lịch như vậy tất nhiên chỉ là những câu chuyện đẹp, nhưng bạn có thể sống tốt với chúng. Những bản lý lịch của bạn là những chuyện cá nhân của bạn, cuộc sống của bạn cũng là của bạn và một bản lý lịch như vậy hàng trăm lần tốt hơn những dữ liệu tẻ ngắt: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, tên cha…

Và giờ thì đến lúc nói đến chút gì đó kỳ lạ hiếm có: Tôi quen rất nhiều người, những người từng là những cô bé cậu bé, sau đó đến tuổi quậy phá và bây giờ thì qua cái tuổi ba mươi. Rất nhiều trong số họ đã luôn kể đi kể lại những câu chuyện mơ mộng, những câu chuyện tuyệt vời về cuộc sống của họ sau này. Có thể nói là họ viết trước lý lịch cho tương lai. Người ta có thể phát minh trước cho mình một lý lịch. Điều bí ẩn ở đây là: mọi điều xảy ra thật như vậy. Tôi đã từng quen một cậu bé nhỏ con thường xuyên nói về Canada. Đốn cây trong rừng, đi những con thuyền xuôi những dòng thác dữ. Người cha của cậu là một người già luôn cáu bẳn, đối với ông thì chẳng cái gì nên hồn cả. “Biến ra ngoài kia, đừng có làm ầm lên ở đây! Thằng Ingo nhà mình điên rồi. Nó đọc quá nhiều. Cút đi, tẩy não cho mày đi!”

Giờ đây cậu ấy sống ở Canada và đã hạ nhiều cây gỗ, đi xuôi một vài dòng sông và người cha của cậu ấy, ông lão cáu bẳn ấy, cứ ba năm lại đến thăm cậu một lần. Về chuyện ông ấy đã từng thường xuyên đánh đuổi cậu ra khỏi nhà ông không còn nhớ gì nữa.

Tôi cũng từng biết một cậu khác, khi còn bé cậu luôn nói về việc dựng những cây cầu vĩ đại. Không hề có chút gì hứa hẹn là cậu rồi một mai sẽ làm điều đó. Không phải ai cũng có thể học lên đại học và người cha của cậu chỉ là một người quét đường. Nhưng cậu luôn mó máy thử tạo những cấu trúc khổng lồ. Người cha thường nói: “Hãy quẳng những thứ đó ra khỏi đầu con, cậu nhỏ. Cái đó không thể có với cha con mình đâu!” Chẳng có gì là không có thể cả! Bây giờ cậu ấy đã ba mươi và đã xây xong ba chiếc cầu lớn.

Hãy tạo ra cho mình những bản lý lịch! Hãy sáng tạo ra thật nhiều những bản lý lịch thật đẹp, nhiều và đẹp như bạn muốn, một lúc nào đó sẽ xuất hiện một bản lý lịch mà bạn luôn phải nghĩ đến nó, và từ lúc này không còn ai có thể giật nó ra khỏi tay bạn nữa.